Tiếp nhận Vào đời

Đương thời

Miền Bắc Việt Nam

[Vào đời] như là cái điểm hồng tâm cho tất cả những mũi tên bắn vào. Nó như là điển hình của thứ văn học theo chủ nghĩa xét lại hiện đại đang được phê phán công khai hay ngấm ngầm. Nó như một vật hy sinh để tế thần, vị thần tối thượng nào đó mà không dám gọi tên. Một chiến dịch phải nói là một chiến dịch đánh Vào đời.

Mai Ngữ, [25]

Vào đời khi mới ra mắt không có quá nhiều dư luận để tâm, ngoại trừ một bài báo đăng trên tờ Tiền phong phê bình tác phẩm. Chỉ đến khi một chính khách lớn thời đó là Nguyễn Chí Thanh đọc được cuốn sách rồi chuyển vấn đề văn học thành vấn đề chính trị, phát động chiến dịch "đánh Vào đời"[25][26] thì sự việc mới được mổ xẻ đồng loạt bởi báo chí miền Bắc.[lower-alpha 2][1][31][32] Vào đời đã trở thành trường hợp tiêu biểu hơn cả so với đợt phê phán các tác phẩm khác cùng thời khi rơi vào tầm chỉ trích của vô số cơ quan ngôn luận từ Trung ương đến thành phố.[2][7] Tất thảy đều tập trung chỉ trích điểm nhìn và những tình huống trong cuốn tiểu thuyết, đặc biệt là tình tiết liên quan đến vụ Cải cách ruộng đất.[11][33] Một đợt phê phán Vào đời trên diện rộng đã diễn ra trong hơn 2 tháng,[34] bắt đầu từ bài báo sớm nhất đăng ngày 13 tháng 6 năm 1963[35] và bài cuối cùng là trên tuần báo Văn nghệ ngày 16 tháng 8 năm 1963.[11]

Theo ước tính của nhà văn Mai Ngữ, có đến 60 bài viết liên tục xuất hiện trên vô số tờ báo, tạp chí khác nhau hướng mũi công kích vào Vào đời.[25] Cao điểm trong vòng hơn một tháng đã có 46 bài báo được đăng tải. Tổng cộng số bài phê bình Vào đời, chỉ trong năm 1963, gần chạm mốc trăm bài hoặc hơn. Tuy nhiên những bài không được đăng lên báo còn lớn hơn rất nhiều. Đơn cử, Tiền phong ghi nhận "mỗi ngày nhận được từ 20 đến 30 bài của thanh niên thuộc đủ các thành phần xã hội [...] gửi đến phát biểu ý kiến phê phán cuốn tiểu thuyết này".[36] Tiểu thuyết đã bị phê bình một cách gay gắt, bị quy kết theo cách vô cùng nặng nề khi bị cho là mang nặng tư tưởng xét lại hiện đại; chủ nghĩa cá nhân "suy bại và yếu ớt"; "phi vô sản, phi mác-xít".[37][38] Cuốn sách hầu như không được ra mắt sâu rộng mà chỉ bị đưa ra làm một trường hợp để nhắc nhở với tinh thần phê phán, bị coi là một "con bệnh nguy hiểm" được "tập trung mổ xẻ" với các lý do gồm: "thiếu tính Đảng, xuyên tạc sự thật, bôi đen chế độ, bóp méo hình ảnh người lính cách mạng".[17][39] Có ý kiến mạnh bạo hơn đã xếp Vào đời vào hàng "phản động"[40] hay truyện mang "tư tưởng, thế giới quan tiểu tư sản" gắn với "triết lý hưởng lạc, sa đoạ, lối sống gấp kiểu Mĩ"".[3]

Bên cạnh tính tư tưởng trong nội dung, Vào đời cũng bị xem là một quyển truyện "kém cỏi" về mặt phản ánh hiện thực nghệ thuật[41] và xây dựng tình tiết, nhân vật.[42][43][44] Tiêu biểu, nhà văn Nguyễn Đình Thi – chủ nhiệm của báo Văn nghệ – đã viết một bài tự phê bình đồng nghiệp của mình, chỉ ra những khuyết điểm trong tác phẩm như "viết sơ sài và bằng phẳng"; "nhiều nét chi tiết rải rác, có chi tiết lắp đi lắp lại, có chi tiết đưa ra tùy tiện, chẳng dính dáng gì đến cốt truyện"; "cố thêu dệt nhiều tình tiết éo le, gai góc, pha vào truyện những chất 'lâm ly hấp dẫn' [...] làm cho người đọc phát ngán và bực bội". Ông cũng chỉ trích Hà Minh Tuân đã "chắp vá đủ thứ chi tiết và hiện tượng, lượm lặt lung tung" vì sự non yếu trong tay nghề và "nghèo vốn sống, thiếu hiểu biết về thực tế ở công trường nhà máy".[45]

Trong số những luồng ý kiến chỉ trích Vào đời, hầu hết tác giả của chúng là cán bộ làm công tác tư tưởng ở các cơ sở sản xuất,[46] những nhân vật của Đoàn thanh niên,[47] Công đoàn, công tác lý luận, mặt trận;[48] những người tự xưng là quân nhân, còn tại ngũ hay đã chuyển ngành. Tất cả đều chỉ dùng biệt hiệu và không dùng tên thật.[49] Những tờ báo vào cuộc hăng hái nhất cũng đều xuất phát trong giới này như Lao Động, Cứu Quốc.[11] Riêng Tiền phong thì đưa tin nhiều nhất với gần 10 bài báo dài.[10] Những ý kiến từ dư luận đã trở thành tiên phong và mang yếu tố quyết định, lôi cuốn giới văn nghệ sĩ phải vào cuộc để chỉ trích Vào đời.[11] Các nhà phê bình văn học Hồng Chương, Như Phong là những nhân vật đã phê phán Vào đời sớm nhất và tích cực nhất.[50][51] Ngay cả báo Văn nghệ cũng phải lên tiếng xin lỗi vì thời điểm ra mắt sách đã không lớn tiếng phê phán mà chỉ viết bài điểm sách và phê phán lướt qua "nhẹ nhàng".[2][45]

Vào tối ngày 3 tháng 7 năm 1963, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Kim Lân và vô số nhà văn khác đã họp tại trụ sở Hội Nhà văn ở số 65 phố Nguyễn Du, Hà Nội để phê phán và chỉ ra những "sai lầm nghiêm trọng" trong tư tưởng của Vào đời, sau phần trình bày của Hà Minh Tuân.[10][11] Vì áp lực dư luận, nhất là sau hai bài báo trên tờ Nhân Dân cùng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị xuất bản sách,[2] ngày 6 tháng 7 năm 1963, tân giám đốc Nhà xuất bản Văn học (mới) Hoàng Trung Thông phải tiếp tục tự phê bình khuyết điểm của nhà xuất bản và người tiền nhiệm đối với việc in cuốn Vào đời trước toàn thể các đồng chí khác tại Hội nghị thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.[52]

Miền Nam Việt Nam

Trong dư luận miền Nam, vụ Vào đời không thực sự được nhiều người biết đến,[53] ngoại trừ một bài nhận xét dài của tác giả Sông Thai viết cho tạp chí Văn Học (1966). Trong đó, ông đã xem Vào đời là một "thành công mới" của Hà Minh Tuân vì sự "cân đối giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật", công nhận tác phẩm khi "không bóp méo sự thật và thiếu thành thực để thổi phồng những cái lẻ tẻ thành rộng lớn, bao trùm", đồng thời có tác dụng "khai thông cho những xu thế bế tắc, trốn tránh, hoặc xu nịnh, tô hồng xã hội". Người viết cũng mỉa mai thái độ của chính quyền miền Bắc với tác phẩm và tác giả, từ đó cho thấy một nhà văn còn giữ được "lương tâm, [...] bất chấp mọi đe dọa, cực hình của những bàn tay hung hãn luôn luôn can thiệp vào văn nghệ".[2]

Hậu thế

Sau khi bước vào thời kỳ Đổi Mới, giới phê bình văn học Việt Nam đã có những quan điểm khách quan hơn với Vào đời.[54][55] Cuốn sách được coi là tác phẩm "vượt lên trước tín hiệu cho phép" khi "phản ánh trung thực" những khía cạnh lúc đó bị coi là sai lệch nhưng đã trở thành những vấn đề còn tồn tại trong xã hội Việt Nam cho tới nhiều thập kỷ sau, cho thấy tinh thần "dự báo hiện thực" của tiểu thuyết.[56] Đối với Lại Nguyên Ân (2015), ông xem Vào đời là một tác phẩm "không nên xem thường" khi từng gây sóng gió dư luận giữa những năm 1960 bởi "động tới những gì không hề là bề ngoài của đời sống xã hội đương thời", hay ít nhất là "thách thức những cái nhìn đang bị quy phạm hóa theo những giáo điều".[11] Tiến sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi của Đại học Oregon (2021) thì so sánh Vào đời với Anh Cò Lấm của Trần Bá Xá và Sắp cưới của Vũ Bão, trong đó nhận định tác phẩm của Hà Minh Tuân đã tái hiện rõ ràng hơn những "chấn thương tinh thần" trong thế giới xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc so với hai tác phẩm còn lại; với nhân vật Sen bị "đẩy vào bước đường cùng", chồng cô bị tổn thương bởi Cải cách ruộng đất mà "ghê tởm xã hội phong kiến trá hình" rồi đi vào con đường chống đối, bị tù tội.[57]

Khía cạnh dư luận của Vào đời cũng được nhiều học giả đưa ra phân tích và liên hệ. Viết trong một bài nghiên cứu đăng trên tập san Journal of Vietnamese Studies, tác giả Grossheim đã nhìn nhận việc Hà Minh Tuân và cuốn Vào đời của ông bị rơi vào "tầm ngắm" dù là một đảng viên trung thành đã cho thấy sự "nghịch lý".[37] Theo Giáo sư Trần Đình Sử, việc tiểu thuyết bị cho là "miêu tả không chân thực" đã cho thấy sự "áp đặt tư duy" trong việc quy định sẵn bản chất, và khi tác phẩm viết khác đi bản chất này thì bị cho là không chân thực, khiến sự chân thực "không khách quan".[58] Học giả Ngô Văn Tuần (2013) cũng phân tích về chất lượng nội dung và phương pháp phê bình của các bài phê phán văn học đối với Vào đời. Theo đó, tác giả nhận định tất cả những bài viết này là tiêu biểu cho lối "phê bình suy diễn" từ ấn tượng của chủ quan người viết mà không thông qua phân tích nội dung, cấu trúc truyện; lối "nói theo" khi hầu hết chúng đều có chung một luận điểm, giọng văn giống nhau; và việc các tác giả chỉ "bắt lấy" một vài chi tiết nhà văn nói về vấn đề tiêu cực để gán ghép cho tác phẩm không nằm trong chỉnh thể nội dung của truyện. Người viết nhấn mạnh rằng việc thiếu tính dân chủ, sự đối thoại giữa giới phê bình và nghệ sĩ đã trở thành điểm thiếu sót đáng kể nhất trong cuộc phê bình này, không phát huy được sự phát triển của chức năng phê bình văn học.[59]

Tuy vậy, vẫn có những cây bút phê bình tác phẩm về phương diện biểu hiện, lối viết. Viết trên tờ Tạp chí Văn học năm 1998, nhà phê bình Trần Trọng Đăng Đàn đã nhìn nhận Vào đời là một tác phẩm "không tốt" vì gây "hiệu quả xấu cho quần chúng độc giả", dù vẫn ghi nhận ý định tốt ban đầu của tác giả khi bắt tay vào việc xây dựng nên tác phẩm.[60][37] Trong khi đó, nhà văn Vũ Thư Hiên, trong cuốn hồi ký Đêm giữa ban ngày, đánh giá Vào đời là một "bước lùi về tay nghề của Hà Minh Tuân" về mặt bút pháp, nhận xét rằng truyện mới chỉ chạm "sơ sơ" đến những tiêu cực trong xã hội Việt Nam đương thời.[61] Tác giả Trần Thư cuốn Tử tù xử lí nội bộ đồng quan điểm, nhận xét tác giả viết không hay và "nhiều chỗ sượng", cũng như cho rằng nếu Vào đời không vướng phải vụ phê phán thì cuốn sách "chắc cũng có ít độc giả".[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vào đời http://vanviet.info/tu-lieu/cc-tai-nan-van-chuong-... https://books.google.com.vn/books?id=z39kAAAAMAAJ https://nongnghiep.vn/nha-van-xuan-ba-chuyen-nha-4... http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c374/n25637/... http://baovannghe.com.vn/danh-sach-tac-pham-cong-t... https://vanviet.info/tu-lieu/cc-tai-nan-van-chuong... https://hosovanhoc.wordpress.com/category/ha-minh-... https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/Reader... https://www.voatiengviet.com/a/lo-hong-da-67-nam/1... https://books.google.com.vn/books?id=AxdIAAAAMAAJ